Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

2,5 triệu người Việt Nam mắc bệnh loãng xương mỗi năm

Những lượt thang máy chật cứng lên xuống không phút nào ngừng nghỉ, người đi lại tấp nập, các phòng khám gần như quá tải còn khu điều trị thì vô cùng đông đúc… Đó là cảnh thường thấy tại khoa Nội cơ xương khớp của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân mắc bệnh loãng xương ngày càng nhiều

14h ngày 29/10, tại phòng khám nội xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng chục người đứng ngồi chờ đợi đến lượt mình; chốc chốc lại đứng lên, đi lại vì sốt ruột. Vẻ lo lắng hiện rõ trên từng nét mặt.

Chị Nguyễn Thị Kim (53 tuổi – Măng Thít, Vĩnh Long) nhận xét: "Ba năm qua, hầu như mỗi tháng tôi đều phải lên đây để tái khám bệnh loãng xương. Lần nào cũng phải chờ đợi như thế này. Gần đây tôi thấy bệnh nhân ngày một đông hơn, và trẻ hơn".

Tại khu điều trị, nhiều giường phải nằm đến ba người mà bệnh viện vẫn phải bố trí thêm giường ngoài hành lang vì không đủ chỗ. Một số khác phải trải chiếu để ngồi chờ dưới nền hành lang.

Tiến sĩ Bác sĩ Lê Anh Thư – Trưởng khoa Nội cơ xương khớp của bệnh viện cho biết: "Các trường hợp phát hiện loãng xương ở khoa đã nhiều đến mức báo động. Đáng lo là hầu hết các bệnh nhân chỉ phát hiện ra mình bị loãng xương khi đã có những biến chứng gãy xương hoặc khi đến khám các bệnh về khớp".

Theo giải thích của bác sĩ Thư, xương có cấu trúc 2 lớp, bao gồm lớp ngoài cứng chắc và lớp trong mềm xốp. Bệnh loãng xương thường bắt đầu bằng hiện tượng mất xương dần dần từ lớp trong nên không có triệu chứng gì đặc biệt. Đến khi có triệu chứng, thì bệnh đã diễn tiến tới mức độ trầm trọng hơn. Việc điều trị trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 2,5 triệu người bị loãng xương và trên 150.000 trường hợp bị gẫy xương do loãng xương. Chi phí trung bình để điều trị cho mỗi ca loãng xương là 40 triệu đồng.

Theo Hội Loãng xương Thế giới (IOF), loãng xương là căn bệnh mãn tính làm tiêu tốn nhiều tiền nhất, tương đương với việc điều trị tiểu đường.

Đặc biệt, việc điều trị khi đã bị gãy xương do loãng xương thường gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như trong trường hợp bị gãy cổ xương đùi, 10 – 20% tử vong trong vòng 1 năm, 20% cần có người trợ giúp suốt đời, 30% bị tàn phế, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Chỉ khoảng 30% có thể hội nhập trở lại với cuộc sống bình thường nhưng lúc nào cũng phải đối mặt với nguy cơ tái gãy xương.

Sẽ có chiến dịch tầm soát mật độ xương

Hội Loãng xương TP.HCM hiện đang có kế hoạch kết hợp cùng Fonterra Brands – nhãn hàng Anlene để mở chiến dịch tầm soát mật độ xương trong các năm tới nhằm tìm kiếm những giải pháp ngăn chặn loãng xương.

Tiến sĩ Bác sĩ Lê Anh Thư chia sẻ: "Điều quan trọng đối với bệnh loãng xương là phải phòng ngừa sớm và chẩn đoán, điều trị kịp thời. Phòng bệnh ít tốn kém hơn chữa bệnh rất nhiều".

Theo Bác sĩ Thư, để phòng loãng xương, cần thiết phải duy trì một lối sống năng động, lành mạnh, với chế độ ăn uống giàu canxi, tránh các thói quen xấu như: uống rượu bia, hút thuốc lá… Đặc biệt, sữa là nguồn cung cấp canxi chủ yếu, đáp ứng các nhu cầu hàng ngày để duy trì và phát triển khối xương của con người.

Cần kiểm tra ngay khi thấy có các dấu hiệu như: đau mỏi mơ hồ ở cột sống, đau dọc các xương dài, mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút, đau lan theo khoanh liên sườn, đau khi ngồi lâu và thay đổi tư thế, gù lưng, giảm chiều cao…

(Theo Vietnamnet)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét