Pages

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Nhánh lan rừng biên giới

Chiều biên giới cuối năm, trên điểm cao huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bảng lảng một màu sương khói. Căng mắt vén màn sương bao phủ núi rừng, khe suối, con đường..., sẽ nhận ra những cành đào rừng co ro trong cái rét ngày đông vẫn bung nở những nụ hoa một sắc màu hồng phớt. Ở chốn biên thùy xa lắc lư này đồng bào luôn nhắc đến một cán bộ y tế như "tấm chắn thép" của bà con chống lại con ma rừng, chống lại dịch bệnh…

Vượt lên số phận

Người mà bà con dân bản nơi đây muốn nói tới là nữ y sĩ Trần Trịnh Ngoan. Chị sinh ra và lớn lên tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Đây là một trong những xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện Bát Xát, dân cư thưa thớt, 100% là người dân tộc thiểu số, đường giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí còn thấp, ngôn ngữ bất đồng, còn tồn tại nhiều phong tục tập quán lạc hậu và xã A Mú Sung là xã trọng điểm của dịch bệnh, đặc biệt dịch sốt rét liên tục hoành hành. Với chị, trở thành một y sĩ để chăm sóc sức khỏe cho bà con là hoài bão lớn, sự ước vọng và khát khao mãnh liệt ngay từ thuở thiếu thời. Song để hoài ước đó trở thành hiện thực là cả một sự nỗ lực không miệt mỏi. Bởi ở vùng vẫn được biết đến là vùng "rốn" của "đói học", khát chữ cộng với nỗi lo cơm gạo thì việc đi học không phải ai cũng đeo đuổi được.

Y sĩ Trần Trịnh Ngoan tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ.

Chị tâm sự: "Khi tôi 10 tuổi tôi đã nuôi ước mơ trở thành người thầy thuốc. Tôi biết với điều kiện của gia đình tôi lúc đó, ấy là một ước mơ, hoài bão quá lớn, không ai trong gia đình tôi tin rằng mình có thể thực hiện được". Khi đã lập gia đình, hoài bão này tưởng chừng vĩnh viễn tan vỡ khi người chồng, trụ cột trong gia đình, chỗ dựa tinh thần của cả gia đình đột ngột ra đi trong một tai nạn về điện năm 1994. Chị kể trong nước mắt: Khi đó chị mới tròn 25 tuổi. Chồng chị mất để lại trên đôi vai người vợ trẻ 2 đứa con thơ, một đứa lên 5 tuổi, đứa nhỏ vừa đầy 3 tháng tuổi. Bố mẹ nội ngoại đều già yếu, không ai chia sẻ gánh nặng gia đình. Một mình chị vai nách chăm con hằng ngày vẫn tiếp tục đi học. Vượt lên tất cả, đến năm 1997, chị  tốt nghiệp y tá sơ học và được nhận công tác tại Trạm y tế A Mú Sung, một  xã vùng cao biên giới của  huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Phương tiện đi làm là đôi chân trần, vượt rừng xanh vực thẳm cả ngày đường mới đến nơi làm việc. Cuộc sống bà con dân tộc thiểu số vùng cao nơi đây thiếu thốn trăm bề, dân trí thấp nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con vô cùng gian nan. Nhân lực chỉ có 3 người trong đó có 2 cán bộ trình độ sơ cấp lại phải quản lý cả một vùng dân cư rộng, bản làng nằm rải rác, sự bất đồng về ngôn ngữ càng khiến việc thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy những bất cập đó, mặc dù cuộc sống bản thân còn nhiều khó khăn, năm 2000, chị tiếp tục nộp đơn xin đi học nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tại Trường trung học Y tế tỉnh Lào Cai.

Năm 2004 tốt nghiệp lớp Y sĩ đa khoa trở về công tác tại Trạm y tế A Mú Sung giữ chức vụ Trưởng trạm y tế. Chị Ngoan tâm sự: "Tốt nghiệp y sĩ đa khoa, tôi tình nguyện trở về công tác ở Trạm y tế A Mú Sung. Bởi những tháng ngày sống với bà con nơi đây đã nuôi sống ước mơ của tôi. Trong khó khăn bà con dân bản chia sẻ với cán bộ y tế ở bản từng bát cơm ngô, bát muối ớt. Với riêng tôi thì những đêm đông lạnh tê cứng người, bà con gạn từng giọt dầu nhỏ, hay thắp sáng, sưởi ấm bằng những đụn củi nhỏ bên bếp lửa để dạy cho tôi học tiếng Mường, tiếng Dao, dạy ngôn ngữ của các bản làng dân tộc vùng biên. Tất cả đã biến nơi đây thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi tình nguyện ở lại như một đứa con của bản làng".

Để ghi nhận những đóng góp của chị đối với cộng đồng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tặng Bằng khen và chị là một trong những cán bộ y tế cơ sở xuất sắc được báo cáo và gặp mặt Tổng Bí thư nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2009. Mặc dù có những thành tích không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, nhưng nói về những thành tích của mình, chị rất kiệm lời và nói rất đơn giản: "Khi tôi ở đây, khó khăn bà con dân bản chia sẻ từng bát cơm ngô, bát muối ớt, từng giọt dầu nhỏ, hay thắp sáng, sưởi ấm bằng những đụn củi nhỏ bên bếp lửa những đêm đông. Tất cả đã biến nơi đây thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi nguyện là một đứa con của bản làng".

"Cai nghiện… ma rừng" cho bà con

Hủ tục là thứ rào cản lớn nhất ăn sâu vào suy nghĩ lối sống của không ít bản làng nơi vùng sâu huyện Bát Xát. Bà con dân tộc coi cái bệnh trong người là "cái hẹn" của con "ma rừng", chỉ có lời cúng của các thầy mo mới xua đuổi được. Niềm tin ấy đã khiến không ít trường hợp bà con trong bản làng tử vong do người nhà kiên quyết không đưa đến trạm y tế để khám chữa bệnh. Là một y sĩ được đào tạo bài bản có chuyên môn, song để giải thích cho bà con hiểu không chỉ một sáng một chiều là được. Chị Ngoan kể: "Bà con dân tộc nơi đây chỉ chấp nhận làm theo những gì  các  y sĩ nói khi được tận mắt chứng kiến kết quả. Và cán bộ y tế thôn bản phải là người làm trước, thực hành trước thì bà con mới tin". Chị kể tiếp: Tại địa bàn xã A Mú Sung đã từng "dính" một trận dịch sốt rét khủng khiếp, đó chính là thời điểm các anh chị trong trạm y tế tại vùng dịch thử thách để chứng minh cho bà con.

Đó là vào tháng 10 - 12/2005 dịch sốt rét nổ ra với tổng số 170 trường hợp mắc bệnh. Đây là là một trường hợp dịch xuất hiện đột ngột sau nhiều năm đã được khống chế, chị Ngoan đã cùng cán bộ trạm y tế là những người đầu tiên phát hiện dịch rất sớm, báo cáo kịp thời lên y tế tuyến trên, chủ động phối hợp với quân y biên phòng để dập dịch kịp thời, không để lây lan rộng ra xã khác và không để tử vong do dịch xảy ra. Tinh thần nhiệt huyết lúc đó có thừa song thực tế khó khăn các anh chị phải đối mặt vẫn là sự trắc trở về đi lại, truyền thông rất hạn chế. Để có thể đạt được thành công trong đợt chống dịch nói trên, chị đã có cách làm mới: phối hợp chặt chẽ, huy động được nguồn lực của bộ đội, quân y để chống dịch, do nguồn nhân lực của trạm hạn chế.

Y sĩ Trần Trịnh Ngoan tuyên truyền phòng dịch bệnh.

Lại nữa, vào năm 2007, y sĩ Ngoan được chuyển công tác về Trạm Y tế xã Trịnh Tường, đây cũng là một xã vùng cao có địa bàn rộng và là xã có dân số đông nhất huyện có 21 thôn với 5.373 khẩu. Thành phần dân tộc chủ yếu là người dân tộc thiểu số: Mông, Dao, Dáy, Hà Nhì… chiếm hơn 87%.  Địa hình xã rất phức tạp, chủ yếu là núi cao dốc đứng, hệ thống khe suối chằng chịt và là một xã có nguy cơ sạt lở, ngập lụt rất lớn, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Đêm ngày 8/8/ 2008, cơn bão số 4, cơn bão lịch sử đã trút xuống Lào Cai và xã Trịnh Tường là xã bị ảnh hưởng rất nặng nề nhất tỉnh. Nhiều thôn bản bị sạt lở và ngập lụt lũ cuốn, nước sông Hồng dâng và nặng nhất là thôn Tùng Chỉn I đã bị trôi 23/42 nóc nhà trong đó có 18 nhà bị trôi hoàn toàn và làm chết 19 người. Toàn bộ hệ thống giao thông bị tê liệt, xã bị cô lập với huyện, huyện bị cô lập với tỉnh.

Sau khi nhận được thông tin, ngay lập tức chị đã huy động cán bộ trạm, nhân viên y tế thôn bản tập trung phân công chia từng tổ giao nhiệm vụ đồng thời kết hợp với lực lượng Đồn Biên phòng 263, các lực lượng thanh niên trong xã tìm phương án vận chuyển thuốc và phương tiện cấp cứu tiếp cận nơi xảy ra lũ quét. Do đường sá đi lại bị chia cắt bởi lũ, chị cùng anh em cán bộ băng rừng, lội bùn đội gió mưa đến thôn Tùng Chỉn I, sau 2 giờ chị cùng cán bộ trạm cấp cứu kịp thời cho 2 bệnh nhân bị thương do lũ đang trong tình trạng nguy kịch xử trí ổn định và huy động lực lượng cứu hộ cứu nạn vận chuyển bệnh nhân về ngay trạm y tế để điều trị.

Ngay ngày hôm sau chị cùng các cán bộ trạm vượt lũ tiếp tục tìm kiếm được 7 bệnh nhân bị thương do lũ, đã cấp cứu kịp thời, xử trí ổn định cho các bệnh nhân và huy động lực lượng cứu hộ đưa các bệnh nhân về trạm y tế an toàn để điều trị. Không chỉ có thế, chị cùng các cán bộ y tế bố trí đưa số hộ dân mất nhà do lũ quét ở tập trung một chỗ, khám cấp thuốc, nấu ăn miễn phí, động viên tinh thần cho bà con yên tâm đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em. Hướng dẫn dân  mai táng cho các tử thi bị lũ cuốn trôi theo đúng quy định, tổ chức công tác vệ sinh môi trường: thau rửa giếng, phun thuốc các khu vực trọng điểm  bằng chloramin B, tẩm màn bằng hoá chất phòng chống sốt rét… cho trên 70 hộ trong diện  bị ngập lụt và phải di dời đến khu định cư mới, đã được các cấp lãnh đạo ghi nhận và được tặng bằng khen của UBND tỉnh.

Bài và ảnh: Văn Hậu

0 nhận xét:

Đăng nhận xét