Pages

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tiếng gọi từ những trái tim khao khát...

Ai có thể giúp chúng ta cưỡng lại định mệnh của cái chết? Tự nhiên sinh ra con người và ban cho ta một trái tim cháy bỏng - biết cảm xúc và khát khao yêu thương. Nhưng, năm tháng trôi qua, quy luật tự nhiên lại đẩy con người vào ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Và lúc đó, không ai khác, chính bác sĩ là người chống lại định mệnh, giành giật trái tim từ tay thần chết, trả lại sự sống cho những sinh linh khổ đau ở cõi đời này.

Lịch sử nhân loại đã ghi danh tên tuổi với  những đột phá về lĩnh vực tim mạch như: R. A. Gross, W. Lillehei, J. W. Dushane và Tôn Thất Tùng… Và giờ đây, dấu ấn tim mạch Việt Nam đã tạo một đột phá lớn trong lịch sử y học vào ngày 2/3/2011 bởi ca ghép tim thành công của GS. TS. Bùi Đức Phú và đồng nghiệp tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đây là niềm tự hào, một triển vọng mới cho y học Việt Nam đầu thế kỷ XXI, tiếp nối thế hệ Tôn Thất Tùng.

GS.TS. Bùi Ðức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

Ði lên từ sự thất vọng…

Bùi Đức Phú là người học trò yêu quý của GS. Tôn Thất Tùng và các thầy giáo ở BV Việt Đức Hà Nội. Từ những năm 1980, chàng sinh viên y khoa của miền Nam, từ cố đô Huế ra Hà Nội với niềm mong ước là được trực tiếp học với người thầy nổi tiếng này. Vào thời điểm sau giải phóng, GS. Tôn Thất Tùng đã có ý hướng đào tạo nguồn lực cho Huế, quê hương của ông. Vì vậy, ông rất kỳ vọng vào người học trò này. Ông muốn trang bị kiến thức căn bản, rồi sau đó sẽ gửi Bùi Đức Phú sang Pháp học để đào tạo chuyên sâu.

Một sự kiện có tính quyết định - vừa gây sốc, vừa tạo nghị lực cho Bùi Đức Phú, đó là năm 1982, với sự tin tưởng và kỳ vọng, GS. Tôn Thất Tùng đã giới thiệu anh sang Pháp. Mọi hồ sơ đã chuẩn bị, chỉ đợi visa sẵn sàng lên đường. Bao nhiêu náo nức, hy vọng hồi hộp về một tương lai phía trước... Đau khổ thay, GS. Tôn Thất Tùng mất đột ngột. Đây là một tổn thất lớn lao cho nền y học Việt Nam, là sự tiếc thương vô hạn của bao học trò ngoại khoa, nhất là Bùi Đức Phú.

GS.TS. Bùi Ðức Phú và kíp bác sĩ trước ca phẫu thuật ghép tim ngày 2/3/2011 tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Đặc biệt, nỗi đau và thất vọng lại càng sâu sắc hơn, vì không hiểu lý do gì, hồ sơ du học bị từ chối (điều này, chỉ có thể giải thích từ những nguyên nhân phi lý, có tính lịch sử của thời điểm bấy giờ). Đó là một cú đấm mạnh vào tâm hồn đang say mê của chàng sinh viên còn quá trẻ, quá nhiều nhiệt huyết… Đây cũng là nỗi thất vọng và hoài nghi đầu tiên trên con đường dấn thân vào nghiệp y của chàng sinh viên Bùi Đức Phú. Và thiết nghĩ, nếu không có nghị lực, niềm tin vào bản thân thì khó có thể gượng dậy được.

Trở về Huế, làm việc ở Đại học Y và Bệnh viện Trung ương, nhưng ý chí đi du học Pháp trong Bùi Đức Phú vẫn cháy bỏng. Nhiệt huyết, kiên nhẫn và thầm lặng. Đặc biệt là luôn trau dồi ngoại ngữ - kể cả trong điều kiện khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp. Và người học trò Bùi Đức Phú đã không phụ lòng thầy. Năm 1988, BS. Phú tham gia thi tuyển rồi được chọn sang Pháp học nội trú, mở ra một viễn cảnh mới cho sự nghiệp y học dài lâu…

GS.TS. Phú (phải) trong ca mổ ghép tim từ người cho chết não.

Bản lĩnh của một bác sĩ Việt trong nền văn minh của Pháp

Chọn cái gì mới nhất và cần nhất, đó là mục tiêu của Bùi Đức Phú khi đến tu nghiệp ở Pháp. Bệnh viện Pontoise - Paris  (1988) và Bệnh viện Pontchaillou- Rennes (1998) là nơi không chỉ để anh lĩnh hội kiến thức mà còn khẳng định bản lĩnh và năng lực của một người Việt. Thông minh, nhạy cảm và có lòng tự trọng dân tộc, không ít lần, Bùi Đức Phú đã gây sự ngạc nhiên cho những bác sĩ người Pháp.

Có lẽ GS. Veyrieres tại Bệnh viện Pontoise sẽ không bao giờ quên sự kiện: một bác sĩ nội trú trẻ Việt Nam đã tự khẳng định trình độ chuyên môn về một ca rất đặc biệt tại bệnh viện này. Một buổi tối thứ bảy, khi BS. Phú đang trực thì được mời khám cho một bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân này đã qua điều trị tại 3 khoa lâm sàng khác nhau, đã làm đầy đủ các xét nghiệm cao cấp để chẩn đoán với kết luận: polyp đại tràng. Lúc này, bệnh nhân đã rất nặng, các triệu chứng lâm sàng mặc dù không điển hình nhưng linh cảm nghề nghiệp đã giúp anh nghĩ đến bệnh cảnh của viêm phúc mạc.

GS.TS. Bùi Ðức Phú và quả tim của bệnh nhân.

Xem lại tập hồ sơ và phim Xquang thì phát hiện cách đó 5 ngày, trên phim chụp bụng thông thường đã có hơi trong ổ bụng. Điều này chứng tỏ bệnh nhân đã bị thủng đại tràng. Anh yêu cầu các bác sĩ người Pháp mổ cấp cứu. Đây là một điều không bình thường ở bệnh viện này. Tuy vậy, họ vẫn tôn trọng và đồng ý với sự chẩn đoán của BS. Phú. Sau mổ 3 ngày, bệnh nhân tử vong vì đã quá muộn. Các đồng nghiệp người Pháp đã sử dụng những kỹ thuật máy móc rất tối tân để can thiệp, nhưng không nghĩ rằng cơ thể con người là một bí ẩn. Đôi khi không chỉ dựa vào máy móc mà phải kết hợp trực giác và linh cảm của người bác sĩ.

Sau trường hợp nói trên, các bác sĩ Pháp đã thay đổi cách nhìn về bác sĩ trẻ người Việt. Uy tín của BS. Bùi Đức Phú lan truyền trong bệnh viện và từ đó về sau, anh được phép mổ chính nhiều trường hợp.

Năm 1990, BS. Bùi Đức Phú hoàn thành xuất sắc khóa học. Ông giáo sư Trưởng khoa gọi BS. Phú đến và có ý giữ lại làm việc và học tập thêm 4 năm tại bệnh viện. Trong bối cảnh Đông Âu tan rã, đây là mơ ước của bao nhiêu người, thậm chí họ đã tìm mọi cách để được ở lại Pháp. Vậy mà Bùi Đức Phú đã cảm ơn và trả lời giản dị: "Tôi thích uống nước giếng hơn nước máy". Thực ra, trong thẳm sâu, niềm đau đáu của BS. Phú là trở lại Bệnh viện TW Huế, nơi đã ra đi với bao ý chí là sẽ đáp lại niềm tin và sự kỳ vọng của người thầy Tôn Thất Tùng.

Thay cho mọi diễn giải, nhận xét sau đây của GS. Rioux - Hiệu trưởng Trường Rennes, người trực tiếp làm việc với BS. Phú trong thời gian ở Pháp sẽ minh định cho luận đề vừa nêu trên: "Tôi phải nói ngay rằng, tôi rất kính nể GS. Phú, người đã chỉ đạo đơn vị phẫu thuật tim này. Và tôi cũng biết rất rõ rằng, GS. Phú là người đã đến Rennes học tập trong khoa của chúng tôi. Trong năm học của GS. Phú, tôi đánh giá rất cao năng lực phẫu thuật của ông. Sự sáng suốt, sự thông minh, sự năng động của GS. Phú đã và sẽ làm cho ngành phẫu thuật tim ở Huế ngày càng phát triển hơn" (Phát biểu nhân dịp khánh thành Trung tâm Tim mạch Huế, 2007).

Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế với hệ thống phòng mổ hiện đại, là một công trình tâm huyết của GS.TS. Bùi Ðức Phú. Ảnh: Công Ðạt

Trung tâm Tim mạch Huế: Hiện thực hay viễn mơ?

Với một câu hỏi day dứt, ám ảnh ngay từ khi còn ở Rennes: "Vì sao người Pháp làm được, nhưng Việt Nam thì không thể"? Câu hỏi đó luôn trỗi dậy mạnh mẽ, nó khiêu khích và thúc giục ý chí quyết tâm của người bác sĩ - người trí thức Bùi Đức Phú trong việc xây dựng Trung tâm Tim mạch (TTTM) tại Bệnh viện TW Huế.

Khi nhìn lên tòa nhà cao tầng với màu trắng yên tĩnh của bệnh viện, hướng ra dòng sông Hương êm ả xuôi dòng, mỗi người dân Huế đều ý thức rằng, đó là sự hy sinh thầm lặng của một thế hệ y bác sĩ nơi đây, là sự giúp đỡ nhiệt thành về chuyên môn của những người bạn Pháp, là lòng hào hiệp, nhân ái của những nhà tài trợ Mỹ. Nhưng, người có công lớn nhất, đó là GS.TS. Bùi Đức Phú. Ông vừa có vai trò khởi xướng, vừa trực diện "đứng mũi chịu sào", chấp nhận mọi gian nguy để có được thành tựu lớn lao - tưởng chừng là một viễn mơ này.

Từ Pháp trở về, BS. Bùi Đức Phú lao ngay vào kế hoạch của mình. Một vài đồng nghiệp đã e ngại chất vấn: Liệu đó có phải là ảo tưởng? Biết vậy. Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ thứ. Phải bắt đầu từ chỗ nào đây? Dựa vào nguồn tài chính của Nhà nước ư? Không thể. Dựa vào ngân sách của bệnh viện ư? Lại càng không. Một kế hoạch tổng hợp, có tính chiến lược hiện lên: Phải mở rộng quan hệ với quốc tế, trên hai phương diện: khoa học và đầu tư. Tức, phải tận dụng các nguồn tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị từ các tổ chức hoạt động từ thiện; phải đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu - đây là tiềm lực căn bản, song hành, có tính quyết định sống còn. Và, phải phát huy nội lực và ý chí của đội ngũ y bác sĩ vốn có của bệnh viện.

Thế chân kiềng đã được triển khai. Một mặt gửi cán bộ đi đào tạo nước ngoài ở các TTTM hàng đầu thế giới như: Mỹ, Pháp, Đức; một mặt kiện toàn lại nhân lực và cơ sở vật chất vốn có; mặt khác, khởi động triển khai dự án đề nghị xây dựng TTTM Huế. Làm thế nào để thuyết phục nhà tài trợ? Trước hết, đó phải là một dự án khả thi. GS. Bùi Đức Phú là người mang hình mẫu mô hình TTTM Pontchaillou từ Pháp về Việt Nam. Những ngày tu nghiệp, ông đã quan sát rất kỹ mô hình này. Đó là sơ đồ thiết kế một TTTM quy mô, có tầm vóc quốc tế. Và dựa trên điều kiện của Việt Nam, các nhà thiết kế cùng với ông đã điều tiết phù hợp. Bản thiết kế hoàn thành và nhanh chóng gửi đến EMW và AP trong nỗi thắc thỏm, mong chờ của GS. Phú và đồng nghiệp.

Không lâu sau, đoàn tài trợ của Mỹ đã đến khảo sát đề án tại Bệnh viện Trung ương Huế. Vượt qua hàng loạt các câu hỏi chất vấn như: Làm thế nào để duy trì hoạt động và bảo quản trung tâm? Liệu đội ngũ y bác sĩ Huế có đủ trình độ khoa học để đáp ứng được yêu cầu TTTM theo chuẩn quốc tế? GS. Phú - lúc đó với tư cách là Phó Giám đốc Bệnh viện đã thuyết phục được nhà đầu tư. Một nguồn tài trợ bất ngờ: gần 10 triệu USD cho việc triển khai xây dựng, trang bị máy móc và đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu.

"Quả như một câu chuyện cổ tích. Vậy là, cái ý tưởng - viễn mơ ấy đã thành hiện thực" - GS.TS. Bùi Đức Phú nói vậy khi nhớ lại những năm tháng  lo toan khổ ải nhưng đầy đam mê và hạnh phúc này. Dự án xây dựng TTTM Huế được khởi công từ năm 2004, hoàn thành năm 2006 và chính thức hoạt động vào năm 2007.

TTTM Huế là một công trình hiện đại mang tầm vóc quốc tế, xét về quy mô sử dụng, về quy trình hoạt động và đặc biệt là đội ngũ bác sĩ chuyên sâu, được đào tạo căn bản tại các TTTM lớn nhất thế giới. Trung tâm được trang bị các máy móc hiện đại, thậm chí có những loại máy lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam như: DSA, CT 64 lát cắt, Cardiospect. Theo GS. Bùi Đức Phú, hiện TTTM đang tập trung vào ba hướng nghiên cứu chính: phẫu thuật tim cho trẻ em nhẹ cân dưới 5kg; phẫu thuật tim mạch ít xâm lấn và đặc biệt là ghép tim - một lĩnh vực mới trong y học Việt Nam.

Đây là nơi đáp ứng nhu cầu và khát vọng của nhân dân Huế và khu vực miền Trung. Hằng năm, bệnh viện phẫu thuật lên tới 25 ngàn ca. Trong đó, bệnh nhân phẫu thuật tim hở trên 800 trường hợp, bao gồm tim bẩm sinh (kể cả những bệnh lý hiểm nghèo như: chuyển vị các đại động mạch, bắt cầu nối chủ vành, thay đa van tim). Về lĩnh vực tim mạch can thiệp, hằng năm có gần 1.000 ca chụp mạch vành kèm theo nong và đặt stent, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn 2 - 3 buồng, máy khử rung tim vĩnh viễn. Không ít bệnh nhân ở cả các nước lân cận cũng đã đến TTTM Huế để phẫu thuật.

Quả tim định mệnh

Ngày 2/3/2011 - một ngày lịch sử trong ngành tim mạch Việt Nam. Buổi sáng hôm đó, bên hàng cây long não ở phố Đạm Tiên ( * ) , khi bản nhạc Trịnh Công Sơn vừa dứt, người dân Huế lặng đi trong nỗi bàng hoàng xúc động: BVTW Huế đã mổ thành công ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam. Ca mổ này do GS. Bùi Đức Phú thực hiện cùng với một kíp gần 100 y bác sĩ. Đây là một nỗ lực lớn của GS. Phú và đồng nghiệp, sau hơn 20 năm cố gắng nghiên cứu và thực hành Khoa Tim mạch.

Ghép tim đã có trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện. Đây là một lĩnh vực phức tạp, bởi không chỉ liên quan đến pháp luật, tín ngưỡng tôn giáo mà còn đòi hỏi khắt khe về sự tương thích của hai quả tim của người cho và nhận. Đặc biệt, đòi hỏi một năng lực điều hành tổng hợp, đồng bộ của ca phẫu thuật. Hàng loạt các bộ phận liên quan như gây mê, truyền máu, hồi sức sau khi mổ phải thực hành đồng bộ và nghiêm ngặt. Chỉ một yếu tố nhỏ, dù là khách quan hay chủ quan trong quy trình vận hành, ca phẫu thuật cũng có thể thất bại.

GS. Bùi Đức Phú đã sẵn sàng vào vai, với tư cách là người chỉ đạo và phẫu thuật viên trực tiếp. Để tiến hành ca mổ định mệnh này, cần phải thực hiện trên 30 xét nghiệm cho cả người hiến tim chết não và người nhận ghép tim. Ông và đồng nghiệp đã chờ đợi trong nỗi lo âu, hồi hộp. Bởi vì bệnh nhân chết não sắp tử vong và có thể sẽ không lấy được tạng nếu kết quả đọ chéo dương tính. Có nghĩa là phải hoãn thực hiện ca phẫu thuật mà đã mất bao nhiêu công sức chuẩn bị, nhất là sự kỳ vọng của bệnh nhân - trái tim khắc khoải đang chờ mong sự sống. Rất may, kết quả đọ chéo âm tính. Ca mổ đã diễn ra trong 5 tiếng căng thẳng, từ 22 giờ ngày 1/3 và kết thúc vào 3 giờ ngày hôm sau 2/3/2011.

Sự thành công của ca ghép tim này đã khẳng định tài năng phẫu thuật và năng lực chỉ đạo của GS. Bùi Đức Phú đối với đội ngũ y bác sĩ BVTW Huế. Đây là một dấu ấn lớn, mở ra triển vọng mới cho lĩnh vực tim mạch Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lẵng hoa vinh danh ngay hôm đó, cũng như bạn bè các nước trên thế giới Pháp, Mỹ, Úc đã hân hoan chúc mừng dấu ấn lịch sử này.

Thành công bất ngờ, có tính đột phá trên là kết quả của một quá trình tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và công sức nghiên cứu khoa học của GS.TS. Bùi Đức Phú cùng đồng nghiệp. Ông đã công bố hơn 50 bài báo khoa học, 9 cuốn sách bao gồm giáo trình và sách chuyên khảo. Trong đó, cuốn: "Quy trình kỹ thuật và hệ thống tổ chức trong ghép tim lấy từ người cho chết não" vào năm 2009 rất có giá trị cho các chuyên viên phẫu thuật bởi phương pháp thực hành tim mạch cụ thể và thiết thực. Đặc biệt là công trình "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não"- phối hợp giữa BVTW Huế và Học viện Quân y 103 đã trở thành tiền đề khoa học quan trọng để hiện thực hóa ước mơ ghép tim từ bấy lâu ở Việt Nam.

GS.TS. Bùi Ðức Phú thăm bệnh nhân Trần Mậu Ðức sau ca ghép tim thành công.Ảnh: Công Ðạt

Em ơi, trái tim không ở phía xa kia…

Y học là nhân học, nhưng y học cũng là một khoa học - nghệ thuật. Một người bác sĩ trong thời đại mới không chỉ là sự phát huy các giá trị đạo đức vốn có của truyền thống mà còn phải đối mặt với những thách thức của khoa học nhằm đáp ứng đòi hỏi mới của cuộc sống. GS. Bùi Đức Phú là chân dung tiêu biểu cho tâm hồn và trí tuệ của thế hệ tri thức y học Việt Nam hôm nay.

Với cống hiến quan trọng trên, GS.TS. Bùi Đức Phú đã xứng đáng nhận những danh hiệu cao quý như: Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc  nhân dân, Bác sĩ cao cấp, Huân chương Lao động hạng Nhì, Giải thưởng Chiếc kéo vàng, được phong tặng Giáo sư vào năm 2009. Và danh hiệu lớn nhất, đó là niềm tin của người dân xứ Huế: ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII. Hiện, GS. Bùi Đức Phú là Giám đốc BVTW Huế, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam và Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực Việt Nam.

Có những thành công hiển ngôn, nhưng cũng có những nỗi đau thầm lặng đến xé lòng, khi mà người thầy thuốc bất lực trước sinh mệnh của cuộc đời. Vẫn còn đó, phía trước những thách thức, đòi hỏi… Mang trên mình chiếc áo blouse trắng, người bác sĩ này đã cống hiến hết mình để xứng đáng với nhân cách một người thầy thuốc. Tôi tự hỏi, con người này có gì khác thường để có thể làm nên những điều to lớn như vậy? Đáp lại tôi, chỉ là một màu trắng yên tĩnh của bệnh viện, trong cái rét ngọt ngào của mùa đông xứ Huế. Và tôi tự trả lời chính mình: Em ơi, trái tim không ở phía xa kia, sự vĩ đại được làm nên từ những điều bình dị…

* Giới nghệ sĩ Huế gọi đường Nguyễn Trường Tộ là phố Đạm Tiên. Nơi đây có hàng cây long não âm u, đối diện với căn hộ xưa ở lầu II của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sinh viên y khoa thường uống cà phê mỗi buổi sáng, trước lúc đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Trần Huyền Sâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét