Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

“Mổ xẻ” chứng tê

Những căn bệnh nguy hiểm thường được biểu hiện từ những dấu hiệu rất nhỏ – đó đơn giản có thể chỉ là chứng tê.

Tê, theo định nghĩa thông thường là "kiến bò bắp thịt", theo định nghĩa của học sinh là "ngồi học quá lâu", còn theo dân văn phòng – đối tượng chính thường gặp triệu chứng này – là chịu đựng sếp trong phòng họp.

Có thể giải thích tốt nhất về cơ chế hoạt động của chứng tê dựa trên nguyên tắc ôxy nuôi tế bào. Khi mạch máu bị chẹn, máu không lưu thông, các tế bào thiếu ôxy sẽ co giật và tê. Tê trong trường hợp này là tê lành và có thể giải quyết đơn giản bằng cách xoa bóp, duỗi thẳng tay chân để mạch máu được lưu thông.

Tê lành cũng xuất hiện nhiều trong một vài giai đoạn trong đời người phụ nữ như khi có thai, tuổi mãn kinh hoặc đơn giản cơ thể giữ nước do uống thuốc biến chuyển các hormone. Thỉnh thoảng, tê cũng tấn công những người có sức khỏe yếu, ăn quá nhiều thức ăn giàu cholesterol. Nếu bạn vô tình gặp cảm giác kiến bò, tê tay chân khi bồn chồn, lo lắng, thì đó là do nhịp tim đập nhanh quá mức, cơ thể bị "hụt" lại. Bằng cách này hay cách khác, hãy cố tập trung điều hòa lại nhịp thở, hãy cố thở từ từ, hít hơi dài, sâu, hạn chế những bước thở ngắn dễ làm tim thêm mệt.

Trái ngược với tê lành, tê ác là dấu hiệu của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như khớp, và tiểu đường. Vì vậy tốt nhất không nên coi thường các triệu chứng tê tay, chân, cơ xảy ra bất thường trong một thời gian dài. Nếu bạn cảm thấy tê và đau dọc xuống phía sau bắp chân, đó rất có thể là dấu hiệu của bệnh đau thần kinh hông do trật địa đốt sống. Tốt nhất, dừng ngay việc mang vác vật nặng, và đến bác sỹ để tìm giải pháp chữa trị hợp lý nhất – trong đó không thể không nhắc đến phương pháp nắn gân và trị liệu bằng kim châm.

Nếu hai bàn tay bạn khi gặp lạnh bị chuyển màu: trắng bệch, tím tái và cuối cùng là đỏ ửng, đi kèm với những triệu chứng như da tay bị tê và mất cảm giác (đặc biệt khi máu lưu thông trở lại bình thường), da có triệu chứng đau nhức, thì xin chia buồn: bạn đã mức chứng rối loạn tuần hoàn có tên y học là Raynaud.

Bệnh này có nguyên nhân cơ bản là các mạch máu ở bàn và ngón tay quá nhạy cảm với nhiệt độ thấp. Theo sự giải thích của các bác sĩ khớp: bình thường khi tay lạnh, các động mạch co lại để giảm lượng máu dẫn tới da, ngăn ngừa việc nhiệt độ cơ thể hạ quá thấp. Ở người mắc Raynaud, các động mạch dẫn máu có xu hướng co thắt mạnh hơn khiến máu không lưu thông được, da chuyển màu và trở nên mất cảm giác hoàn toàn.

Người ta thường gặp hiện tượng Raynaud ở các phụ nữ trẻ đã trưởng thành. Đó có thể do bệnh cứng bì gây ra bởi các chất kháng thể tấn công các hệ cơ quan theo trạng thái lành tính nhưng khá dai dẳng. Raynaud đôi khi cũng xuất hiện ở những người bị thoái hóa đốt sống vùng bổ, khiến các dây thần kinh giao cảm cung ứng cho cánh tay và các mạch máu bị chèn ép.

Với chứng Raynaud này, bác sỹ sẽ kê toa cho bạn những loại thuốc giãn mạch giúp mạch máu giãn nở hoặc giải phẫu để cắt một số dây thần kinh nhất định. Tuy nhiên, các loại thuốc giãn mạch dễ gây hạ huyết áp nên chỉ sử dụng khi người bệnh gặp chứng tê rối loạn tuần hoàn quá nặng cần can thiệp.

Một căn bệnh nguy hiểm khác có biểu hiện bằng chứng tê là thiểu năng tuyến giáp – một dạng bệnh thể hiện tình trạng tích tụ chất nhớt ở khớp, xương khiến da bị sưng húp. Hiện tượng này khi xảy ra ở cổ tay, các sợi dây thần kinh, mạch máu chạy qua cổ tay bị ép khiến cho các đầu ngón tay có cảm giác "tê tê say say" như kiến bò.

Nhìn đi, nhìn lại hóa ra tê cũng nguy hiểm! Vì vậy nếu thường xuyên bị tê hoặc thấy có những triệu chứng tê bất thường tốt nhất hãy tới gặp bác sỹ. Bên cạnh đó bạn cũng cần chủ động chăm sóc cơ thể mình bằng các vận động thể dục giải lao khi phải làm việc căng thẳng. Những cử động như xoay cổ tay, khuỷu tay hay đi lại giữa giờ vừa giúp giảm stress vừa có thể nhanh chóng xóa tan chứng tê. Các động tác yoga cũng là một phương pháp hữu hiệu để giúp cơ bắp của bạn dẻo dai chiến đấu lại với chứng tê.

(Theo Sanhdieu)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét