Pages

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Người đàn ông có xương “thủy tinh”

Nếu chỉ nhìn bề ngoài, Jeremy Miller, một người đàn ông Anh quốc, 46 tuổi, trông rất vạm vỡ và khỏe mạnh. Ít ai ngờ rằng, Jeremy bị bệnh loãng xương từ năm 39 tuổi.

"Tôi không biết mình bị chứng loãng xương cho đến khi tôi 39 tuổi" – Jeremy, một bác sĩ thú y đang sống trên hòn đảo Jersey, cho biết. Jeremy đã bị gãy một xương sườn do va chạm với con trai trong khi cùng nhau chơi bóng đá. Một năm sau đó,  anh lại bị gãy thêm một xương sườn khi chơi đấu vật với con gái.

Jeremy chỉ bắt đầu nghĩ tới chứng loãng xương khi một lần cúi người qua lan can và cảm thấy tiếng "rắc" từ xương sườn. Sau đó, Jeremy được bác sĩ riêng yêu cầu đi chụp X-quang xương. Kết quả, anh bị chứng loãng xương cột sống.

"Các bác sĩ nói tôi bị vấn đề ở lưng," Jeremy nói, "Tôi bắt đầu điều trị bằng thuốc, uống thuốc mỗi tuần 1 lần và đã thấy khá hơn nhiều".

"Mọi người thường ngạc nhiên khi biết tôi bị chứng loãng xương vì trông tôi rất khỏe mạnh và lạc quan. Tôi vẫn tham gia cuộc thi chạy hàng năm quanh hòn đảo Jersey, với độ dài 78 km. Tôi cũng là một chuyên gia chơi tennis trên hòn đảo này." Jeremy kể.

Chứng loãng xương thường gặp ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, chứng bệnh này xảy ra đối với đàn ông ngày càng nhiều. Tại Anh quốc, cứ 5 người đàn ông trên 50 tuổi thì có một người có triệu chứng loãng xương.

"Gần đây, chứng loãng xương ngày càng gia tăng ở đàn ông", giáo sư David Reid – chuyên gia về bệnh thấp khớp, Chủ tịch Hiệp hội Loãng xương quốc qia Anh, cho biết. "Chứng bệnh này rất ít gặp cách đây 30 năm. Lối sống ít vận động của chúng ta có thể là nguyên nhân làm gia tăng chứng loãng xương", ông David Reid cho biết.

Hiện nay, tại Anh quốc, hơn 3 triệu người được chẩn đoán bị loãng xương. Ước tính, Chính phủ và hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) phải tốn 6 triệu bảng/ ngày cho chứng bệnh này.

Theo các bác sĩ, những người như Jeremy – có mẹ bị nghiện thuốc và rượu – thường có nguy cơ mắc chứng loãng xương cao.

Ngoài ra, một số loại thuốc như: Corticosteroid dùng để điều trị bệnh hen suyễn và bệnh viêm khớp mãn tính; antiepileptic và một số loại thuốc điều trị ung thư tuyến tiền liệt cũng làm tăng nguy cơ bị chứng loãng xương.

Chứng loãng xương có thể được điều trị bằng bisphosphonates, một loại thuốc giúp tăng mật độ chất khoáng trong xương và giúp xương chắc khỏe hơn. Ngoài ra, những người đàn ông có nồng độ nội tiết tố sinh dục thấp có thể điều trị bằng testosterone, một loại kích thích tố sinh dục nam.

Theo Sarah Leyland, một y tá lâu năm của Hiệp hội Loãng xương quốc gia, các biện pháp phòng loãng xương bao gồm: Tập thể dục thường xuyên, bổ xung canxi và phơi nắng để bổ xung Vitamin D.

(Theo Mail Online)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét