Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Mất ngủ vì đau khớp vai

Kẹt dưới mỏm cùng vai là một nguyên nhân gây đau khớp vai trong độ tuổi 40-60, đặc biệt với người làm nghề xây dựng, bán hàng… hoặc chơi ném bóng.

Vai đau và yếu

Bốn gân chóp xoay có nhiệm vụ hỗ trợ động tác nâng và xoay vai. Nhóm gân này chạy giữa xương mỏm cùng vai ở trên và chỏm của cánh tay ở dưới.

Hội chứng kẹt dưới mỏm cùng vai xảy ra khi các gân chóp xoay cọ sát hay tiếp xúc bất thường vào xương ở mặt dưới mỏm, cùng lúc người bệnh làm động tác dạng vai từ khoảng ngang thắt lưng đến qua đầu (từ 60 độ đến 120 độ).

Khi mắc hội chứng kẹt dưới mỏm cùng vai, bệnh nhân sẽ thấy vai đau và yếu, đau nhiều khi cử động dạng tay và nâng tay lên cao. Các cơn đau có thể gây mất ngủ vào ban đêm.

Việc chẩn đoán và điều trị hội chứng kẹt dưới mỏm cùng vai ở Việt Nam hiện nay còn hạn chế, chỉ có một số ít bệnh viện có đủ điều kiện và phương tiện để chẩn đoán và điều trị hội chứng này. Sau khi thăm khám với các động tác chuyên biệt, bác sĩ  chuyên khoa sẽ thực hiện nghiệm pháp tiêm thuốc gây tê vào khoảng dưới mỏm cùng.

Trong một số trường hợp nghi ngờ tổn thương gân chóp xoay phối hợp, bệnh nhân có thể được làm Arthro-MRI – chụp cộng hưởng từ hạt nhân có kèm thuốc cản quang trong khớp để các bác sĩ có thể chẩn đoán và nhận diện chính xác tổn thương (gai xương mỏm cùng, rách gân chóp xoay…), từ đó có thể đưa ra phương pháp điều trị thích ứng cho mỗi trường hợp.

Không tổn thương gân: Trị bằng thuốc, hiệu quả 90%

Phương pháp điều trị hội chứng kẹt dưới mỏm cùng vai tùy thuộc vào mức độ đau, độ tuổi và nghề nghiệp của người bệnh. Điều trị bằng thuốc đem lại hiệu quả đến 90% đối với bệnh nhân không kèm tổn thương gân chóp xoay.

Bệnh nhân sẽ dùng thuốc kháng viêm giảm đau, tiêm corticoid dưới mỏm cùng (chỉ giới hạn tối đa 2-3 lần, cách quãng) kết hợp với tập vật lý trị liệu, nghỉ ngơi, tránh các động tác giơ tay quá đầu trong khi làm việc hoặc chơi thể thao.

Nếu điều trị bằng thuốc như trên không kết quả hoặc tình trạng bệnh nặng hơn – kẹt dưới mỏm cùng vai có kèm theo tổn thương gân chóp xoay vai, các bác sĩ sẽ thực hiện khâu phục hồi gân chóp xoay và phẫu thuật tạo hình mỏm cùng bằng phương pháp nội soi.

Hội chứng kẹt dưới mỏm cùng vai có nguyên nhân chủ yếu là do quá trình thoái hóa đi cùng với tuổi tác, do thực hiện lặp lại những động tác đòi hỏi phải giơ tay quá đầu do yêu cầu nghề nghiệp.

Nếu không được điều trị kịp thời, tổn thương sẽ ngày càng tiến triển, đau tăng dần, liên tục, cử động ngày càng khó khăn, hạn chế, bệnh nhân không thể giơ tay lên quá đầu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường và thậm chí có thể phải đổi nghề.

Chính vì thế, vấn đề quan trọng là ngay khi có cảm giác đau vai, đặc biệt trong cử động tay lên xuống, bệnh nhân phải đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

(Theo Bee)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét